Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng lạnh

Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) với sản phẩm "Cam - quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh" đã được tỉnh Hòa Bình lựa chọn là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) năm 2019. Mặc dù hoàn thiện về quy trình sản xuất, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch vẫn là trăn trở của bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong. Mong muốn giữ lại sản lượng cam đạt chất lượng cao nhất mới thu hoạch, nhưng đơn vị này đành “lực bất tòng tâm” vì không đủ vốn để đầu tư kho lạnh.

Đứng ở góc độ của nhà phân phối, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) chia sẻ, hơn ai hết các doanh nghiệp bán lẻ đều thấu hiểu tình cảnh các sản phẩm tươi sống “sáng tươi, trưa héo, tối đổ đi” gây thất thoát nặng nề. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn ý thức được giá trị của chuỗi cung ứng lạnh trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng.

Câu chuyện trên cho thấy nhu cầu về kho lạnh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang ngày càng cao. “Có thể thấy những xu hướng tiêu dùng mới như sử dụng thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm organic, chuỗi cửa hàng đồ ăn, thức uống được nhượng quyền thương mại… cùng việc gia tăng xuất khẩu nông nghiệp và các sản phẩm thủy sản tạo ra nhu cầu lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh” - bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định.

Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tỷ lệ khai thác ở các kho lạnh hiện rất cao, trên 90%. Dẫn đầu thị trường dịch vụ kho lạnh là hàng chục tên tuổi nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước như ABA Cooltrans, Transimex, Hùng Vương, Mekong Logistics, MP Logistics, Vinafco Vietnam, PanaSato, Phan Duy, Quang Minh, Satra... còn lại hơn 70% là doanh nghiệp nhỏ. Cả nước cũng có 83 chợ đầu mối, nhưng chưa chợ nào có kho bảo quản nông sản... Điều này có nghĩa là số lượng hàng hóa được vận chuyển trong điều kiện tiêu chuẩn rất hạn chế và nông sản bị ùn ứ thời gian dài chỉ còn cách bỏ đi.

Tuy nhiên, theo ông Lương Quang Thi, Giám đốc Công ty ABA Cooltrans, các kho lạnh, xe lạnh cũng như các hệ thống thiết bị khác đòi hỏi sự đầu tư lớn, trong khi đó biên lợi nhuận tương đối thấp đã tạo ra rào cản đối với các doanh nghiệp. Hơn nữa, ngành bảo quản lạnh cần những doanh nghiệp thật sự có chuyên môn về bảo quản nhiệt độ bởi mỗi loại hoa quả, rau củ, thịt cá… đều có những quy định riêng. Với những yêu cầu, đòi hỏi cao như vậy, song doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ.

Với nhu cầu ngày càng cao, thị trường cung ứng lạnh - mát nói chung sẽ là ngành phát triển mạnh trong thời gian tới. Những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư bài bản sẽ có tiềm năng chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, để nâng tầm chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, sự liên kết hợp tác giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng lạnh cùng sự đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả mà không khiến chi phí quá cao.

Bên cạnh đó, rất cần có sự chung tay của nhà sản xuất, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng lạnh toàn diện, lâu dài. Đồng thời, cần phải tăng cường quảng bá, nâng cao nhận thức của các bên tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm. Nhận thức đúng đắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng lạnh, không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất mà còn bảo vệ người tiêu dùng.

Bài viết liên quan

Phương án 3 tại chỗ
Thuỷ sản Hùng Vương (HVG): Chi 1.300 tỷ đầu tư kho lạnh 60.000 tấn, dự thu hồi vốn sau 4 năm

Thuỷ sản Hùng Vương (HVG): Chi 1.300 tỷ đầu tư kho lạnh 60.000 tấn, dự thu hồi vốn sau 4 năm